My logo

das All

Make the Unknown known

Nhìn lại một thập kỷ 2010-2019

10 năm trong chớp mắt

Thanh-Vy Hua

9 phút để đọc

Fantasy

Ảnh Bìa: Prince C từ Pixabay

10 bài học mình ngộ ra trong thập kỷ vừa rồi

  1. Tôi là ai?” hay “Tôi là gì trong xã hội này?” là những câu hỏi không quan trọng.
  2. Để thoát khỏi những cuộc tranh đua vô nghĩa, ta phải có bản sắc. Giá trị thật tạo ra bản sắc, lý tưởng thì không.
  3. Bạn không có trách nhiệm phải sử dụng năng khiếu của mình. Bạn cũng không phải là những gì bạn đạt được.
  4. Năng lượng dùng để bảo vệ hình ảnh cá nhân và dè chừng suy nghĩ của người khác là sự lãng phí lớn nhất của một tổ chức.
  5. Năng lượng dùng để quản lý niềm tin là sự lãng phí lớn nhất của một cá nhân.
  6. Bí mật để cân bằng công việc-cuộc sống là đừng tách biệt hai phạm trù này.
  7. Cấu trúc nền tảng của mọi sự vật hiện tượng quyết định cách hành xử của sự vật hiện tượng đó.
  8. Những người hiểu nhầm chức năng của tiền tệ thường trở nên tham lam, hoặc viển vông quá mức.
  9. Trách nhiệm của bạn đối với người khác không được và không thể vượt quá trách nhiệm của họ đối với chính bản thân họ.
  10. Việc đọc giúp tăng quy mô sự học. Việc viết giúp tăng quy mô tư duy.

Bài học thứ #1

Tôi là ai?” hay “Tôi là gì trong xã hội này?” là những câu hỏi không quan trọng.

Những gì bạn nghĩ về bản thân hoàn toàn không liên quan đến quá trình bạn xây dựng cuộc sống mà bạn mong muốn.

Bài học thứ #2

Để thoát khỏi những cuộc tranh đua vô nghĩa, ta phải có bản sắc. Giá trị thật tạo ra bản sắc, lý tưởng thì không.

Tập trung vào giá trị mà bạn có thể tạo ra, những điều khác đều là thứ yếu. Lý tưởng chỉ là những lý thuyết suông. Nếu không có hành động kiểm chứng từ hiện thực, chúng có thể tạo ra định kiến.

Bài học thứ #3

Bạn không có trách nhiệm phải sử dụng năng khiếu của mình. Bạn cũng không phải là những gì bạn đạt được.

Một người giỏi Toán không nhất định phải trở thành nhà Toán học. Chúng ta được tự do lựa chọn, bất kể đã có khả năng trời phú gì. Cố biện minh ý nghĩa tồn tại của bản thân là hành động không cần thiết. Sự thật là, chúng ta đang tồn tại. Vậy thôi.

Bài học thứ #4

Năng lượng dùng để bảo vệ hình ảnh cá nhân và dè chừng suy nghĩ của người khác là sự lãng phí lớn nhất của một tổ chức.

Mình đã làm qua nhiều vị trí trong một tổ chức, từ làm thực địa đến các vị trí điều hành. Hiện thực mà mỗi người cảm nhận được đều có giới hạn. Hiện tượng này thường gây ra hiệu ứng Đóng Khung Tâm Lý, để rồi không còn ai kết nối được một góc nhìn toàn diện.

Những gì tôi nghĩ và thực tế

Bài học thứ #5

Năng lượng dùng để quản lý niềm tin là sự lãng phí lớn nhất của một cá nhân.

Càng cố quản lý nhiều niềm tin, ta càng dễ trở nên bất an. Sức mạnh tổng hợp của lý trí và cảm xúc là vấn đề của sự tỉnh thức. Nâng cấp bộ khung tư duy trước khi cập nhật kỹ năng. Điều này cũng giống như chúng ta cần nâng cấp Hệ Điều Hành trước khi cài thêm ứng dụng mới.

Bài học thứ #6

Bí mật để cân bằng công việc-cuộc sống là đừng tách biệt hai phạm trù này.

Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Bạn không thể xem nhẹ bất kỳ thành tố nào trong dãy thứ tự này. Một người rất dễ bị khánh kiệt, nếu họ không trải qua quá trình gắn kết tất cả các cấu trúc xã hội từ đơn vị nhỏ nhất.

Bài học thứ #7

Cấu trúc nền tảng của mọi sự vật hiện tượng quyết định cách hành xử của sự vật hiện tượng đó.

Điều này đúng cho mọi hệ thống phức hợp, và cũng đúng trong cuộc sống thực. Nhận dạng được các cấu trúc nền tảng sẽ là kỹ năng sống còn trong thời đại này. Kỹ năng này đòi hỏi cả quá trình học tập lẫn quá trình quên đi những gì mình đã học.

Bài học thứ #8

Những người hiểu nhầm chức năng của tiền tệ thường trở nên tham lam, hoặc viển vông quá mức.

Mình chỉ bắt đầu hiểu rõ chức năng của tiền tệ sau giai đoạn nghiên cứu sâu về Tiền Mã Hóa. Mình đã ước rằng phải chi mình biết đến kế toán sớm hơn. Bằng cách này hay cách khác, mỗi người chúng ta hoặc có thể sử dụng thành thạo kế toán, hoặc sẽ bị kế toán chi phối. Chỉ với khả năng đọc thông thạo các báo cáo tài chính, mà thế giới quan của mình đã mở rộng hơn cả nghìn lần.

Bài học thứ #9

Trách nhiệm của bạn đối với người khác không được và không thể vượt quá trách nhiệm của họ đối với chính bản thân họ.

Thường thì các nỗ lực chứng minh điều ngược lại với phát biểu này là một cách tự làm cho bản thân bạn sao lãng khỏi những vấn đề bạn đang gặp phải. Đó là một cơ chế phòng thủ về tâm lý khi bạn không muốn đối mặt với một sự thay đổi nào đó. Đặc biệt là những thay đổi liên quan đến hình ảnh bản thân hay hệ giá trị cá nhân.

Bạn có thể nghĩ mình có trách nhiệm làm cho ai đó trở nên tốt hơn. Hay bạn đang kỳ vọng ai đó giúp bạn trở nên tốt hơn. Với cả hai cách nghĩ này, bạn có thể đang ích kỷ hơn bạn tưởng.

Bài học thứ #10

Việc đọc giúp tăng quy mô sự học. Việc viết giúp tăng quy mô tư duy.

Đọc một cách đơn thuần sẽ dẫn bạn đến ngưỡng của sự mày mò. Đó là lúc não bạn bắt đầu phân tích hiện thực bằng ký ức và giả định. Việc viết giúp chắt lọc tư duy. Tư duy kết tinh tạo ra những hành động giúp bạn luôn tương tác với hiện thực.

Hình dưới đây là tổng quan tất cả các lĩnh vực mình đã đọc trong thập kỷ vừa rồi. Một hành trình học tập đầy thú vị. Mình viết riêng khá thường xuyên, chỉ ít khi chia sẻ những nội dung này lên mạng. Từ năm 2019, mình mở trang Web này như một nơi chia sẻ các bài viết cá nhân. Đây là lần đầu tiên mình bắt đầu viết lách trực tuyến trở lại từ khi Yahoo360 đóng cửa.

Tag cloud of my books

Những sự kiện đáng nhớ

Sự kiện Năm
Tốt nghiệp Cử Nhân
Chuyến bay trong nước đầu tiên
Lần đầu tiên gặp nhiều người bạn trên mạng ngoài đời thực
Nhận ra cuộc sống rất vô thường
2010
Lần đầu tiên đi du học
Lần đầu tiên thấy tuyết vào mùa đông
Bắt đầu dùng nghệ thuật nhiếp ảnh để cô đọng hiện thực từ dòng thời gian
2011
Tốt nghiệp Thạc Sĩ
Lần đầu khởi nghiệp với vai trò đồng sáng lập
2012
Triển khai hệ thống thông tin với cả phần mềm, phần mềm nhúng, và phần cứng
Triển khai phần mềm nhúng cho nhiều hệ thống mẫu về Internet Vạn Vật
2013
Đọc nhiều sách nhất trong một năm
Giữ nhiều vai trò: nghiệp vụ, nhân sự, phân tích kinh doanh, kiến trúc sư phần mềm, bán hàng
2014
Bắt đầu tham gia lĩnh vực Nông Nghiệp
Thoát một tai nạn giao thông
2015
Đi vòng quanh nhiều nhất và gặp được rất nhiều người phi thường
Bắt đầu khám phá Bitcoin và công nghệ Blockchain
Lên chức cô
Bình an sau một trận hỏa hoạn lớn gần nhà
2016
Rời khỏi môi trường hàn lâm
Rời khỏi các cộng đồng thi lập trình thuật toán
Trở thành Kiến Trúc Sư Giải Pháp Công Nghệ Cho Doanh Nghiệp
2017
Chứng kiến bong bóng lớn nhất trong lịch sử Cryptocurrency
Tham gia nhóm quản lý của các công ty đa quốc gia
Khám phá lĩnh vực Vốn Chủ Sở Hữu Tư Nhân
2018
Phát hiện đường nối giữa tất cả các sự kiện trong quá khứ
Ngộ ra cách cô đọng dòng thời gian từ hiện thực
Trở nên bình thản trước biến động, bất định, hỗn loạn và mơ hồ
2019

Những thói quen bất di bất dịch

Sau hơn 10 năm, mình vẫn giữ một số thói quen và những thói quen này giúp định hình phong cách sống của mình hiện tại:

  1. Ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi ngày
  2. Uống nước lọc nhiều hơn tất cả các thể loại khác mỗi ngày
  3. Đọc sách mỗi ngày
  4. Nghe một bài thuyết trình của TED: Ideas worth spreading mỗi tuần
  5. Kiểm tra sức khỏe hai lần mỗi năm

Bánh đà phát triển bản thân

Bánh đà phát triển bản thân

Quên đi những gì đã học là một hoạt động mình mới bắt đầu tập luyện gần đây để hoàn thiện bánh đà phát triển bản thân. Đây là phát hiện quan trọng nhất của mình trong 10 năm. Quên đi những gì đã học là một quá trình tích hợp phương pháp luận khoa học vào trong tiềm thức.

Thu thập quan sát thực nghiệm về sự vật hiện tượng
Đặt các giả thuyết phản nghiệm được
Bác bỏ hoặc hoàn thiện ngữ cảnh của lập luận bằng các thông tin mới xuất hiện

Rất khó để tích hợp quá trình lập luận này vào cuộc sống hàng ngày. Vì chúng ta thường không thể nhìn vào bản thân mình một cách khách quan như khi ta nhìn vào các đối tượng khác. Cần thường xuyên kiểm tra lại những giả định mà mình đã đặt ra. Nếu không bạn có thể mãi mãi bị ám ảnh bởi những sự việc xảy ra trong quá khứ.

Thập kỷ sắp tới

Mình thường thích nhìn về phía trước để đón nhận những điều bất ngờ hơn là lập kế hoạch quá chi tiết từ những mục tiêu cố định. Nếu không có thói quen liên tục cân chỉnh những mục tiêu đó, chúng sẽ biến thành một hiện thực méo mó.

Mình rất háo hức chờ xem bản thân sẽ thay đổi thế nào trong thập kỷ tới. Giờ thì mình đang bắt đầu tạo thêm một số thói quen bất di bất dịch để tăng năng lượng bánh đà cho sứ mệnh cá nhân.

  1. Viết hồi ký ngẫm nghĩ về bản thân mỗi ngày
  2. Theo dõi cách bản thân sử dụng thời gian mỗi ngày
  3. Đi bộ 10000 bước mỗi ngày

Tạo giá trị. Ngạc nhiên vì những điều chưa biết. Và quên đi những gì đã học.
Để có thêm nhiều thời gian, hãy sống trọn vẹn với hiện tại.

Bài viết gần đây

Xem thêm

Các chủ đề

Ivy là ai

Founder ● Engineer ● Human Explorer ● INTJ
I build things and tell stories about them.